Mục tiêu chung của Kế hoạch là bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.
Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc; mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại một số khu Ramsar.
Kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước và điều tra, xác lập Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng; Thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam; Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; Quan trắc, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước.
Để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ, Kế hoạch đặt ra 6 nhóm giải pháp gồm: Hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước; Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước; Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này; định kỳ sau 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
(Nguồn: vea.gov.vn)